Sữa chua, sữa đậu nành, sữa yến mạch, sữa hạt cung cấp hàm lượng dinh dưỡng cao, dễ hấp thu, hỗ trợ người bệnh ung thư cải thiện sức khỏe.
Bệnh ung thư có thể ảnh hưởng đến bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể, khiến người bệnh suy kiệt. Các phương pháp điều trị bệnh thường gây tác dụng phụ như chán ăn, tiêu hóa kém, táo bón, tiêu chảy, mệt mỏi, buồn nôn, lở miệng, dễ dẫn đến thiếu chất, sụt cân, suy dinh dưỡng, suy nhược cơ thể, giảm sức đề kháng.
ThS.BS Lê Thị Thu Hà, Khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết chế độ dinh dưỡng khoa học giúp người bệnh cải thiện sức khỏe, giảm tốc độ tiến triển của bệnh. Người bệnh uống các loại sữa bổ sung protein, canxi, vitamin D, B12, chất béo không bão hòa, chất xơ hòa tan và nhiều dưỡng chất quan trọng khác để nâng cao hiệu quả điều trị.
Sữa tách béo cung cấp nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe cơ xương khớp, tim mạch, não bộ và hệ thống miễn dịch như protein, canxi, vitamin D, B12. Nguồn protein trong sữa tách béo có đủ các loại axit amin thiết yếu giúp tối ưu hoạt động của cơ thể, hỗ trợ quá trình phục hồi, tái tạo tế bào bị tổn thương.
Canxi hỗ trợ cầm máu, phòng ngừa loãng xương sau hóa trị hoặc xạ trị, giảm tình trạng đau nhức xương khớp, thúc đẩy làm lành vết nứt, gãy trên xương. Vitamin D tăng miễn dịch, giảm viêm, góp phần hấp thụ canxi và phốt pho từ thức ăn hiệu quả hơn. Vitamin B12 tham gia sản xuất hồng cầu, giảm nguy cơ thiếu máu do bệnh ung thư, đồng thời cải thiện chức năng não, hạn chế căng thẳng và mệt mỏi.
Sữa chua không đường (100 g) chứa 3,7 g protein, 2,5 g chất béo, 110 mg canxi, cùng nhiều vitamin và các chủng lợi khuẩn. Nguồn dinh dưỡng dồi dào trong sữa chua thúc đẩy cải thiện chức năng tiêu hóa, giúp người bệnh hấp thu chất dinh dưỡng, tăng cảm giác ngon miệng, tăng cường miễn dịch, hỗ trợ sức khỏe tổng thể.
Sữa đậu nành chứa hàm lượng protein, calo gần tương đương với sữa tách béo. 240 ml sữa đậu nành cung cấp 6 g protein, 120 IU vitamin D, 151 mg canxi và 3,5 g chất béo. Trường hợp người bệnh ung thư không thể uống sữa tách béo do gặp vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy, chướng bụng, ói mửa hoặc bất dung nạp lactose thì sữa đậu nành là lựa chọn thay thế.
Sữa yến mạch có protein, chất béo, vitamin D, canxi, kẽm giúp cải thiện tiêu hóa, chống oxy hóa, chống viêm, tăng cường miễn dịch. Sữa yến mạch còn có beta glucan – loại chất xơ hòa tan có tác dụng giảm nồng độ LDL (cholesterol xấu) và cholesterol toàn phần, nhưng không ảnh hưởng đến HDL (cholesterol tốt), góp phần kiểm soát bệnh mỡ máu cao và cải thiện sức khỏe tim mạch. Loại sữa này cũng không chứa lactose, gluten nên thường an toàn với người bất dung nạp lactose hoặc dị ứng với gluten.
Sữa hạt như hạt điều, hạt lanh, hạnh nhân, gai dầu chứa protein thấp hơn sữa tách béo, nhưng cung cấp hàm lượng cao chất béo không bão hòa omega-3, omega-6, vitamin E, D, canxi và chất xơ hòa tan. Chúng có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm, hỗ trợ tăng cường sức đề kháng, cải thiện lưu thông máu và chức năng thần kinh.
Bác sĩ Thu Hà lưu ý trừ một vài trường hợp có chỉ định khác của bác sĩ, còn lại phần lớn người bệnh ung thư đều có thể uống sữa. Người bệnh nên kết hợp sữa với các nguồn dinh dưỡng khác như rau củ, trái cây và thực phẩm giàu chất chống oxy hóa để tối ưu hóa lợi ích mà sữa mang lại. Tuy nhiên, loại sữa và hàm lượng tiêu thụ có thể khác biệt tùy từng cơ địa, diễn tiến bệnh và sức khỏe mỗi người. Do đó, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa ung bướu hoặc dinh dưỡng để được tư vấn trước khi bổ sung sữa vào thực đơn hàng ngày.
Sữa không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Người bệnh ung thư nên thường xuyên tái khám, dùng thuốc (nếu có) và tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Người bệnh có thể khám dinh dưỡng, xét nghiệm vi chất chuyên sâu bằng máy sắc ký lỏng hiệu năng cao UPLC để biết cơ thể đang thiếu hoặc thừa chất nào. Từ đó, bác sĩ tư vấn chế độ ăn uống phù hợp với thể trạng.
Trường Giang
Nguồn: vnexpress.net